Niềm hy vọng mong manh thay đổi người chồng bạo lực

Tôi 30 tuổi, lấy chồng 9 năm và có một con gái lên 8 tuổi. Chồng tôi làm ở trung tâm thể dục thể hình, là một người cục cằn thô lỗ, thường xuyên đánh đập, chửi mắng vợ.  

Chỉ cần có gì không ưa là anh ta đánh chửi tôi. Anh ta không cho tôi gặp gỡ và tiếp xúc với bất kỳ ai từ bạn bè, hàng xóm đến anh chị em, bố mẹ trong nhà, nếu anh ta bắt gặp được thì chắc chắn sau đó sẽ là một trận đòn. Có những lần thấy mẹ bị đánh đau quá, đứa con gái nhỏ của tôi còn bảo “ba đánh mẹ đau thế, sao mẹ không bỏ ba đi”. Trong thâm tâm tôi luôn mong đến một ngày nào đó bằng sự cố gắng của mình sẽ làm cho chồng tôi thay đổi. Nhưng càng ngày chồng tôi càng làm cho tôi thấy thất vọng, không biết tôi phải đợi tới bao giờ nữa?

Trả lời
Chào chị! Người ta thường nói, để có cuộc sống tốt đẹp hơn thì thay đổi bản thân dễ hơn trông chờ người khác thay đổi. Chị lấy chồng được 9 năm nhưng cuộc sống vợ chồng chị không hạnh phúc. Chồng chị không những cục cằn thô lỗ mà còn can thiệp quá sâu vào cuộc sống tự do cũng như sự tôn trọng dành cho vợ.

Trong quá trình tư vấn trên đường dây phòng chống bạo lực gia đình, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp người phụ nữ bị bạo hành nhưng không muốn thay đổi hoặc tố cáo hành vi bạo lực của chồng, bởi các chị ấy nghĩ anh chồng sẽ thay đổi. Nhưng sự thật đó là cái vòng luẩn quẩn mà người ta gọi là “vòng tròn bạo lực” và nó có các giai đoạn cơ bản như sau:

Người chồng bạo hành vợ khi anh ta cho rằng cô ấy làm trái ý muốn của mình. Cô vợ bị đánh cảm thấy suy sụp và hoang mang tột độ. Sau đó cô ấy đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao mình lại bị đối xử như vậy. Lúc này người chồng tỏ ra ăn năn, hối lỗi. Anh ta nói rằng mình không thể kiểm soát được bản thân. Anh ấy cam đoan sẽ không tái diễn hành động này nữa. Người vợ bị thuyết phục và muốn tin rằng những cử chỉ bạo lực của chồng chẳng qua chỉ là phút nhất thời và anh ta sẽ không bao giờ tái phạm nữa.

Họ trò chuyện nghiêm túc với nhau. Người chồng sẽ nói rằng những sai lầm của anh ta ít nhiều cũng do người vợ tác động. Giá như cô ấy không thốt ra những điều như vậy, giá như cô ấy ý tứ hơn một chút, giá như cô ấy đừng dọn bữa tối trễ hơn ngày thường tới 20 phút, giá như cô ấy đừng sơ sẩy để phải mang thai và giá như cô ấy không bắt chồng vặn nhỏ TV xuống… Lúc này hai bên sẽ đổ lỗi vòng quanh. Thay vì thủ phạm của sự bạo hành phải hối lỗi, thì giờ dây chính nạn nhân lại cảm thấy mình mới là người sai. Cuối cùng cô vợ xin lỗi anh chồng và hứa sẽ cố gắng sửa đổi. Vậy là sóng yên, biển lặng. Người vợ cố gắng không chọc tức chồng mình và anh ấy tiếp tục sống thoải mái như chưa có gì xảy ra.

Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, người chồng lại bắt đầu thấy chán nản khó chịu. Khi sự khó chịu tăng lên thì tính nóng nảy cũng tăng lên theo và thế là anh ấy lại đánh vợ.

Qua những phân tích thì việc chị chờ sự thay đổi từ phía người chồng, khi bản thân anh ấy không hề muốn thay đổi, vậy chị trông mong gì ở một người như thế? Những gì chị đang làm bây giờ khiến người chồng rất dễ lặp lại hành vi bạo lực với chị, rồi bạo lực sẽ biến hành hành động quen thuộc trong cuộc sống gia đình chị. Đến một lúc chồng chị sẽ không còn lo lắng về hậu quả của nó nữa. Anh ta thấy càng ngày càng mạnh mẽ và tự cao tự đại, còn chị thì mỗi ngày một lép vế hơn.

Chị biết không, chỉ cần nhượng bộ một thói bạo lực của chồng một lần, những lần sau anh ấy sẽ càng lấn tới, khiến cho lòng tự tin và tự trọng trong chị ngày một cạn kiệt. Cuộc sống của chị sẽ quay tròn trong những màn bạo lực. Mỗi câu chị thốt ra, mỗi việc chị làm, mỗi điều gì đó trong cuộc sống của chị đều phải thật thận trọng để chồng chị không nổi cơn thịnh nộ.

Chị có giữ được hạnh phúc với một ông chồng như vậy không? Liệu chị có cho con một cuộc sống vui vẻ khi bố mẹ luôn đánh chửi nhau trước mặt con trẻ? Đứa con của chị lớn như thế nào nếu có một gia đình đầy bạo lực? Chị hãy tự đặt ra câu hỏi và suy nghĩ trước sau cho mỗi quyết định của mình chị nhé. Hoặc gọi vào số 0437759339 để được tư vấn miễn phí về phòng chống bạo lực gia đình.

Bài viết khác