Làm Thế Nào Để Quên Những Điều Cần Quên

“Thưa chuyên gia tâm lý, trước đây, tôi bắt gặp và đọc được những tin nhắn trên Facebook của chồng với những lời lẽ tán tỉnh, yêu đương ướt át cho một cô gái làm cùng cơ quan. Mặc dù bây giờ việc này đã được chấm dứt, chồng tôi tỏ ra hối lỗi, yêu thương, chăm sóc tôi rất nhiều nhưng bản thân tôi thì không thể làm cho mối quan hệ với chồng bình thường trở lại. Tôi không thể quên được điều mà anh đã làm.”

“Em chào chuyên gia tư vấn tâm lý, xin chị hãy giúp em. Em quen và yêu bạn gái em từ khi cô ấy học cấp 3. Vì nhà cô ấy nghèo nên em đã cố gắng đi làm vất vả để kiếm tiền nuôi bạn gái ăn học hết 4 năm đại học. Thế nhưng, sau khi ra trường, cô ấy đã bỏ em để yêu một người giàu có khác. Em rất hận cô ấy và trở nên căm ghét con gái. Em trở nên một con người khó chịu, luôn nhìn các cô gái bằng con mắt khinh ghét. Năm nay, em đã hơn 30 tuổi và cần phải lập gia đình nhưng em không thể yêu ai vì luôn bị ám ảnh rằng, con gái chỉ toàn là giả dối và phản bội”

“Năm nay em 32 tuổi. Em đã có gia đình và 2 con. Gần đây, em có gặp một người và không thể thôi nghĩ về anh ấy. Em luôn khao khát và bị cảm giác thúc đẩy tìm mọi cách để được tiếp cận với anh. Được nói chuyện với anh, em thấy vui vô cùng hạnh phúc. Em đã tìm mọi cách để tìm hiểu các thông tin về anh. Em biết anh cũng đã có gia đình, có con và là một người thành đạt. Dù biết là mối quan hệ này sẽ không đi đâu nhưng em vẫn không thể quên nghĩ về anh. Mặc dù bụng bảo dạ là phải quên đi nhưng thực tế, nhiều lần em đã vô thức hành động để có điều kiện tiếp xúc với anh nhiều hơn, ví dụ, giả vờ xuất hiện trước mặt anh một cách tình cờ rồi mời anh uống café, đưa con đến chỗ con anh đang chơi … Em ý thức được việc này là không đúng, em cũng sẽ không bao giờ làm gì để ảnh hưởng đến gia đình anh cũng như gia đình em. Em đặt quyết tâm, phải quên anh đi, thế nhưng, chẳng hiểu mà xui, quỷ khiến thế nào mà em không thể làm được. Là chuyên gia tâm lý, chị đã tư vấn cho trường hợp nào giống em chưa? Em phải làm gì hả chị?”

Trên đây là một trường hợp trong hàng trăm ca cần tư vấn trong lĩnh vực “Tư vấn tình bạn, tình yêu”; “tư vấn hôn nhân gia đình”. Mục tiêu mà để họ tìm đến với chuyên gia tâm lý là: “Làm thế nào để quên đi những thứ cần quên

Tình trạng mà mọi người thường hay gặp phải thường là:

Không thể gạt đi suy nghĩ về những gì đã phải trải qua trong quá khứ?

Không thể thôi đau đớn, hận thù với người đã phản bội mình?

Không thể ngừng suy nghĩ đến một người mà bạn biết là bạn phải quên đi?

Muốn dừng mọi suy nghĩ về một điều gì đó nhưng không thể?

Không thể duy trì một mối quan hệ bình thường vì luôn bị ám ảnh bởi những gì người kia đã làm?

Hầu hết chúng ta đều biết, nghĩ về một ai đó mà mình thích không phải là một sai trái. Thù hận một ai đó trong suy nghĩ không phải là xấu xa. Thế nhưng, khi bị rơi vào tình trạng chìm đắm bởi những ý nghĩ đó, nó ám ảnh mọi lúc, mọi nơi trong mọi suy nghĩ của bạn, nó thúc đẩy một số hành vi mà bản thân không thể kiểm soát gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chính bản mình hoặc người khác…. thì lúc đó thật là khó chịu, khổ sở thậm chí là có nguy cơ tạo ra những tình huống có hại cho bạn. Trong những tình huống này, điều khiến ta đau đớn đó là không được hoặc không thể sống thật với những cảm xúc của mình hoặc khó có thể điều chỉnh lại cảm xúc trở lại bình thường khi chưa có sự cố, sự kiện, sự việc ấy xảy ra.

Câu hỏi được đạt ra đó là làm thế nào để thoát khỏi hoặc không bị rơi vào tình trạng này? Dưới đây là một số việc mà bạn nên làm khi gặp phải tình trạng này, bạn hãy thử áp dụng xem có hiệu quả với mình hay không.

Gặp gỡ, nói chuyện với nhiều người (bạn bè, người thân, con cái….). Thay vì ngồi một chỗ và bị ám ảnh về một người mình không thể có hoặc một việc đã xảy ra và không thể thay đổi nó, bạn hãy dành thời gian để tán phét, trò chuyện với bạn bè, người thân; quan tâm, chăm sóc những người mà chính họ là nguồn động lực để giữ bạn khỏi mất kiểm soát. Nếu bạn là người độc thân, bạn cũng có thể thử đi gặp gỡ, hẹn hò, tham gia các câu lạc bộ, nhóm cộng đồng ….

Dành thời gian để làm những điều mình thích hoặc cảm thấy thích thú: Nếu bạn không muốn hoặc không thể khởi đầu hoặc duy trì một mối quan hệ với mọi người, bạn có thể liệt kê ra một danh sách từ 10 đến 20 sở thích (Ví dụ: 1. Đọc sách tốt, 2. Xem phim hài, 3. Tập yoga/gym, 4. Chạy bộ ……) Trong lịch trình mỗi ngày, bạn hãy làm tối thiểu là 3 trong số những sở thích đó. Bạn sẽ tập trung vào đó, cảm thấy thư giãn, hạnh phúc khi làm nó và bạn cũng có thể suy nghĩ, nghiền ngẫm về những điều bạn phải đánh đổi khi bạn cứ tiếp tục suy đến đến những thứ kia.

Viết những bức thư nhưng không gửi: Nếu bạn cảm thấy khó khăn để ngừng suy nghĩ về một người/ một việc nào đó, đặc biệt là người đó/việc đó đã gây tổn thương cho bạn rất nhiều. Bạn muốn nói với họ hoặc nói về điều đó rất nhiều nhưng không thực hiên, hãy viết một lá thư. Hãy trải lòng, hãy viết tất cả những gì bạn suy nghĩ, bạn muốn nói. Hãy bộc lộ tất cả mọi cảm xúc của mình qua những dòng chữ. Mọi nỗi ấm ức, mọi niềm nhớ thương, bao sự hận thù, tức giận hãy thả hết ra. Sau đó, bạn có thể hủy bức thư đó, xé nó, đốt nó, cắt nó thành từng mảnh nhỏ v.v.v….. Đây cũng là cách mà nhiều người cảm thấy khá hiệu quả. Họ tâm sự rằng, khi đốt những lá thư đó, họ hiểu rằng mối quan hệ đó đã kết thúc và dường như những suy nghĩ, ám ảnh bấy lâu cũng đi theo lá thư đó.

Thực ra, sẽ không có một công thức chung hay là một tấm bản đồ cụ thể nào cho tất cả mọi trường hợp. Với mỗi người sẽ có hướng giải quyết khác nhau bởi mỗi người có một tính cách, mỗi người có một lối suy nghĩ khác nhau. Vì vậy, nếu tự bạn không thể áp dụng những biện pháp này hay áp dụng rồi mà vẫn không có hiệu quả, lời khuyên là hãy đến tìm gặp chuyên gia tư vấn tâm lý. Nếu để tình trạng này kéo dài không chỉ tâm lý của bạn bị ảnh hưởng mà cả phần sinh lý (cơ thể, hoạt động sinh học) cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Chuyên gia tâm lý - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân - Phòng tâm lý Phúc Ngân

Bài viết khác