Làm gì khi bị nhà chồng bạo hành
Tôi bị chồng đánh, mẹ chồng chửi mà chỉ biết cam chịu và thấy mình quá sai lầm khi lấy anh.
Tôi lấy anh được 6 năm. Anh là con một, gia đình không quá giàu nhưng bố mẹ rất nuông chiều anh. Tôi sinh ra trong gia đình khó khăn, phải tự lập từ nhỏ. Lấy anh rồi về mới thấy hai đứa khác biệt nhau nhiều quá. Lúc chưa cưới anh bảo cuộc sống của tôi quá vất vả nên anh sẽ bù đắp cho tôi, cưới về hóa ra anh chỉ là người sống phụ thuộc vào bố mẹ.
Anh chẳng biết làm việc gì kể cả cắm nồi cơm hay lau nhà. Mẹ anh nhiều tuổi nhưng trước đây việc gì cũng đến tay bà, giờ tôi về thì mọi việc dồn hết cho tôi. Nếu tôi có sai chồng việc gì thì ngay lập tức bà quắc mắc không đồng ý. Mấy hôm trước tôi mệt mỏi quá nên có đăng mấy câu lên Facebook, anh biết được chửi tôi thậm tệ, nói rằng tôi là kẻ vô ơn, về nhà anh sung sướng mà không biết hưởng. Mẹ anh cũng bảo tôi là “chuột sa chĩnh gạo”, tôi chỉ biết khóc thầm.
Gần đây, cuộc sống của tôi như trong địa ngục bởi trót cãi lời mẹ chồng, bị chồng đánh. Lúc nào tôi cũng sống trong mệt mỏi và sợ hãi. Tôi muốn ly hôn nhưng trong thời gian chờ tòa giải quyết sợ bị họ đánh nhiều hơn. Tôi nên làm gì?
Trả lời
Bạn thân mến!
Nhiều người nói “hôn nhân giống như một canh bạc, khi ngồi xuống chiếu, chẳng ai có thể biết chắc mình thắng hay thua”. Chẳng ai khi kết hôn sẽ biết được tương lai của mình ra sao. Trường hợp của bạn cũng vậy. Ban đầu bạn lấy chồng vì hy vọng anh ấy sẽ là người làm cho cuộc sống của bạn tươi sáng hơn. Tiếc rằng chồng bạn đã có cách ứng xử hoàn toàn ngược lại khiến cho cuộc hôn nhân của bạn đang đứng trước bờ vực thẳm. Tôi mong bạn hãy vững tin để vượt qua khó khăn này với sự tự chủ của chính mình.
Chồng bạn sống trong gia đình bao bọc và quá nuông chiều, cho nên hầu như bạn không được hỗ trợ từ chồng bất cứ công việc nhà nào. Hơn nữa bạn lại không nhận được sự đồng lòng từ gia đình chồng, nhất là mẹ chồng nên cảm thấy như đang bị cô lập.
Kết hôn với nhau nghĩa là cả hai sẽ cùng chung tay gánh vác những điều khó khăn và chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Theo những gì bạn kể thì có lẽ trong gia đình, bạn hầu như không có tiếng nói và luôn bị mọi người hắt hủi. Tôi không rõ hiện tại bạn làm gì và đã có con cái hay chưa để xem mức độ khó khăn của bạn khi quyết định ly hôn ra sao.
Trong trường hợp này, nếu chồng bạn chỉ biết nghe một chiều từ phía mẹ mà không cần biết đúng sai ra sao thì cả hai sẽ khó có tiếng nói chung cũng như không có sự đồng cảm được. Cho dù bạn đúng sai ra sao thì anh ấy không có quyền hành hạ bạn, làm như vậy là anh ta đã vi phạm pháp luật. Có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề mà không dùng bạo lực.
Bạn nói rằng “tôi chỉ biết câm lặng mà cam chịu và thấy sai lầm khi lấy anh”. Đó không phải là sai lầm bởi bạn không hề biết trước được chồng bạn và gia đình anh ta đối xử với bạn ra sao, nhưng sẽ là sai lầm nếu bạn cứ chấp nhận và cam chịu mà không biết bảo vệ bản thân và đứng lên để giải phóng mình khỏi những miệt thị và bạo lực.
Bạn có lo lắng nếu ly hôn thì thời gian chờ đợi cũng rất thiếu an toàn. Trong trường hợp này, tôi xin gợi ý một số giải pháp để bạn có thể tiếp tục sống trong gia đình và tự bảo vệ được bản thân:
1. Khi có xung đột xảy ra, hãy rời khỏi những vị trí có nhiều nguy cơ như nhà tắm, bếp, buồng không có cửa thoát…
2. Chuẩn bị sẵn các số điện thoại cần thiết: Công an, hội phụ nữ, người thân, bạn bè…
3. Nói về bạo lực trong gia đình với những người tin tưởng có thể giúp đỡ được mình: Hàng xóm, người thân quen, tổ trưởng, cán bộ hội phụ nữ, công an… để họ kịp thời can thiệp hoặc báo công an khi có tiếng động nghi ngờ từ nhà mình. Không nên im lặng bởi điều đó chỉ làm cho nguy cơ bạo lực gia tăng mà thôi.
4. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, người gây bạo lực quá mất bình tĩnh, nóng giận đến mức nguy hiểm, có thể tạm nghe lời để anh ta bình tĩnh trở lại. Vấn đề cần thiết lúc này là sự an toàn của chính mình và con cái (nếu có).
5. Cần chuẩn bị sẵn kế hoạch rời khỏi nhà bất cứ khi nào nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Phải giữ bí mật không để cho chồng hay gia đình chồng biết vì có thể sẽ rất nguy hiểm nếu anh ta biết bạn có ý định rời bỏ nhà.
6. Chuẩn bị sẵn địa chỉ an toàn có thể đến bất cứ khi nào (gia đình, người thân, bạn bè, nhà tạm lánh,…).
7. Chuẩn bị trước một túi đồ gồm quần áo, vật dụng thiết yếu… của mẹ và con, giấu trong nhà hoặc gửi người quen để có thể rời nhà nhanh nhất.
8. Chuẩn bị tiền mặt/tài khoản bí mật để chủ động khi ra khỏi nhà.
9. Khi ra khỏi nhà nhớ mang theo CMND, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của con, học bạ, phiếu tiêm chủng, giấy tờ nhà đất, giấy đăng ký kết hôn, tài sản riêng có giá trị, chìa khóa xe, chìa khóa nhà...
10. Nên chuẩn bị trước/tập cách thoát ra an toàn phòng khi có bạo lực. Nếu có thể thì cùng con tập dượt kế hoạch chạy trốn.
11. Cẩn thận trong các mối quan hệ khác giới...
Hôn nhân không hạnh phúc là điều không ai mong muốn cả. Vì những nguyên nhân bất khả kháng mà bạn quyết định ly hôn thì đó là điều nên làm khi không nhìn thấy tương lai từ cuộc sống hiện tại. Hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng và cần thiết cho cuộc sống của mình, đừng chờ đợi một cách bị động vào sự thay đổi từ chồng, mà hãy tự thay đổi từ chính những suy nghĩ của mình về cuộc hôn nhân này.
Bài viết khác
- Bạo lực học đường là gì ? Những điều mà bạn nên biết(735 lượt xem)
- Tổng hợp những thông tin về bạo hành người làm mà bạn nên biết(711 lượt xem)
- Tâm lý giáo dục con - tình huống 1(1009 lượt xem)
- NGÃ VÀO VÒNG TAY NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÁC VÌ CHỒNG KHÔ KHAN(1034 lượt xem)
- Chồng ngoại tình với bồ già hơn 10 tuổi(1172 lượt xem)
- Sống dở với ông chồng thích dùng nắm đấm(965 lượt xem)
- Niềm hy vọng mong manh thay đổi người chồng bạo lực(773 lượt xem)
- Tâm Lý Hôn Nhân Gia Đình(917 lượt xem)
- MỚI CƯỚI CHỒNG ĐÃ ĐỔI THAY(936 lượt xem)
- CHUYỆN MẸ CHỒNG – NÀNG DÂU “KHÁC MÁU TANH LÒNG”(1435 lượt xem)
- CHỒNG HỜ HỮNG NHƯ KHÔNG, CÓ NÊN BỎ?(795 lượt xem)
- Tư Vấn Tâm Lý Tình Yêu - Tình Bạn(2314 lượt xem)