Có Nên Gán Cho Trẻ Tội Ăn Cắp?

Như thường ngày mỗi buổi sáng việc đầu tiên chị đi dọn dẹp tất cả các phòng trong ngôi biệt thự 4 tầng, khi chị tới phòng của cậu con trai học lớp 4, sau một hồi mang cái này ra, xếp cái kia lại, chị phát hiện dưới ngăn bàn học tập của con có một chiếc điện thoại nokia còn mới tinh. Chị cầm lấy chiếc điện thoại xoay xoay trên tay đầu óc trống rỗng, chị không lý giải được, do đâu mà thằng bé lại có vật đắt tiền này. Chị gọi cho con: 

- Mẹ:Tí ơi! Lên mẹ hỏi.

Tí chạy lên gặp mẹ, nét mặt vẫn còn phụng phịu chưa biết chuyện gì. Tay đưa chiếc điện thoại về hướng thằng bé. Giọng chị đanh lại hỏi con:

Mẹ: Nói cho mẹ biết, sao chiếc điện thoại này trong ngăn bàn của con? Con ăn cắp của ai?

Tí: Con…con không biết  ạ.

Mẹ: Vô lý, không biết, sao lại ở trong phòng?

Tí: Con đã bảo là không phải mà…huhu

Mẹ: Thôi được rồi, con chờ bố ăn xong chở đi học, mẹ sẽ tự tìm ai là chủ nhân của chiếc điện thoại này.

Nói rồi, chị đi tất bật đi chợ, còn Tí mặt đỏ bừng, hai khoé mắt chực khóc vẫn còn đứng lỳ đó như kẻ trộm bị bắt quả tang. 

Vừa đi được mấy bước thì, thì bác hàng xóm vẫy chị vào. Chị nhanh nhẹn bước tới bên cạnh.

Bác à! Có việc gì thế bác?

Hàng xóm: Cô ơi! nói điều này, cô đừng giận nhé. Chả là hôm qua thằng Tí và mấy đứa nhỏ sang nhà tôi chơi, thế mà hôm nay kiểm lại hàng, thấy mất một cái điện thoại. Tôi không có ý bảo con cô lấy, nhưng…

Ôi chị ơi! Em xin lỗi bác! Đúng là thằng Tí nhà em nó ăn cắp điện thoại  của bác đấy. “Con dại cái mang” sáng nay dọn phòng thấy cái điện thoại mới, em đang định điều tra xem cháu trot dại lấy của ai, để em mang sang trả bác nhé. Em sẽ về bảo cháu sau.

Có nên gán ghép cho việc trẻ lấy đồ của người khác là “ăn cắp”?

Hãy bình tĩnh, đừng vội phán xét!

Xin đừng vội kết luận hay phán xét, đơn giản như một quan tòa để ngay lập tức gán cho con một “tội danh” kinh khủng liên quan đến phẩm giá, danh dự con người. Trước mặt trẻ, đừng dùng những từ như thế này dù lỗi của trẻ đối với bạn là khó tha thứ đến đâu. Những khái niệm như “nói dối”, “dối trá”, “lừa bố lừa mẹ, lừa cô lừa thày”, hay thậm chí là bất kỳ những từ có ý nghĩa tiêu cực dùng để nhận xét, phán xét một tính cách, một nhân phẩm, một khả năng về tư duy, trí tuệ… như hư, hỗn láo, ngu, dốt, nhút nhát quá, ngớ nga ngớ ngẩn, đơ đơ, hâm hâm… Đừng bao giờ sử dụng tập hợp “từ vựng” này khi giao tiếp với trẻ hoặc nhận xét trẻ với một người thứ ba mà có mặt trẻ trong phòng hay gần đó.

Vì sao vậy? Với trẻ em, từng từ người lớn nói ra là một lần trẻ có được sự đánh giá bản thân thông qua lăng kính người khác - người lớn gần gũi với trẻ nhất thì ấn tượng lưu lại của sự đánh giá này càng cao. Bạn đưa ra kết luận “Ăn cắp”, trẻ có thể có hai phản ứng tâm lý:

1- Hoặc là sẽ hoảng sợ, hoang mang và sau đó, giống như hiệu ứng ám thị, sẽ dần mặc định mình có tính ăn cắp; sẽ rất khó để định hướng được hành vi của mình sau đó, khó sửa đổi;

2- Hoặc là sẽ phản ứng dữ dội trong nội tâm, không tâm phục khẩu phục, cho rằng người lớn không công bằng, không hiểu mình và con đường tiếp cận trẻ gần như sẽ hoàn toàn đóng lại.

Bố mẹ muốn gì?

Đầu tiên hãy ngồi lại và suy nghĩ kỹ, mình muốn gì ở con và mình muốn gì trong trường hợp lựa chọn hình phạt đối với con lúc này? Muốn con phải nhận thức được lỗi sai để không bao giờ lặp lại nữa? Muốn con trở thành một đứa trẻ đáng yêu và trung thực? Muốn phạt cho hả giận vì mình đã cố gắng vì nó thế mà nó vẫn không nghe ra? Muốn phạt vì nhà “không có cái giống ăn cắp” ấy, phạt vì cảm xúc danh dự của bố mẹ bị tổn thương?

Bạn đã chọn câu nào trong số những sự “muốn” trên kia? Đây cũng chính là mục đích của việc giáo dục trẻ trong gia đình: Bố mẹ nào chẳng muốn hỗ trợ con nhận thức được lỗi và sửa chữa lỗi ấy, để con trở nên tốt đẹp, đáng yêu và trung thực hơn, để ra đời, con hiểu được những giá trị của cuộc sống. Trong trường hợp này, những giá trị mà chúng ta muốn con hiểu, là:

- Giá trị của đồng tiền, của sức lao động

- Danh dự, phẩm giá

- Sự trung thực

Tìm nguyên nhân và cùng giải quyết

Sau khi bố mẹ hiểu mình muốn gì rồi cũng là lúc bố mẹ cần tìm hiểu CON MUỐN GÌ? CON CÓ NHU CẦU GÌ? Nhiều trường hợp bố mẹ chỉ nhìn thấy hiện tượng (con lấy tiền của mình) mà không thấy những điều đằng sau hành vi ấy: có thể nhu cầu của con chưa được đáp ứng; có thể con quá sợ bố mẹ mà không dám nói ra; có thể bố mẹ ít khi “chiều” nguyện vọng của con vì sợ con sẽ hư người đi; có thể do ảnh hưởng từ phía môi trường, bè bạn; hoặc rất nhiều nguyên nhân khác nữa…

1. Nhu cầu của con:  Thường là các em viết rất nhiều nhu cầu! Và đó là điều rất bình thường. Nhưng để cho con biết cân đối nhu cầu của mình với khả năng tài chính của bố mẹ, cần phải hướng cho trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền. Sau khi học bài học về sức lao động của bố mẹ, về trách nhiệm của trẻ là một thành viên trong gia đình: chia sẻ mọi vấn đề, kể cả các vấn đề tiền bạc, các em đã tự tay xóa đi một vài nhu cầu, đưa chúng vào hàng “chưa cấp bách” chúng ta đã tạo được sự đồng cảm từ phía các em.

Có nhiều bố mẹ sai lầm khi luôn luôn không đáp ứng các nhu cầu chính đáng của trẻ như nhu cầu mua một đĩa nhạc (giải trí), mua quà sinh nhật cho bạn (tình cảm, tinh thần), mua bim bim, quà vặt mời bạn (nhu cầu chia sẻ với bạn bè).

Có một chị tự hào khoe: kể cả tôi đang định mua cho cháu cái gì mà nó đòi… đúng cái đó là tôi ngay lập tức không mua nữa; tôi muốn nó biết là tôi thích mua cho nó thì mua chứ không phải cứ đòi là được! Ở trường hợp này, tôi cho rằng, mẹ có thể kết hợp khéo léo việc dạy con với việc con được thỏa mãn nhu cầu của mình bằng cách vẫn mua cho con và nói: “May quá, mẹ cũng đang định mua cho con món này hóa ra mẹ đoán được trước cả ý thích của con, siêu không?”. Con vừa vui sướng mẹ lại tránh được “tiếng” là nuông con. Bởi suy cho cùng, tại sao lại không thể đôi khi đáp ứng những nhu cầu chính đáng của trẻ? Nếu lúc nào cũng từ chối, phủ nhận, phản đối… thì lâu dần trẻ sẽ có cái nhìn tiêu cực đối với bố mẹ khi va chạm đến đồng tiền. Và một ngày nào đó, để thỏa mãn nhu cầu của mình, rất có thể trẻ sẽ nghĩ đến việc “lấy tạm vài đồng” mà không nghĩ gì đến hậu quả.

2. Bài học gia đình về giá trị đồng tiền: Với bài học này, phải thực sự nhận thấy ranh giới giữa việc dạy con giá trị sức lao động với bố mẹ và việc kêu ca phàn nàn về sự tốn kém vất vả khi nuôi con. Đừng để cho bài học ngả về hướng thứ hai, bằng không sẽ phản tác dụng. Hãy coi con (nhất là những đứa trẻ đã học lớp 3, lớp 4 trở lên) là một thành viên bình đẳng trong gia đình. Cùng con bàn luận về việc tiền điện tăng, tiền xăng tăng, tiền ga tăng hay cùng vui mừng khi bố mẹ nhận được một món tiền nào đó hoặc được tăng lương. Đôi khi cần có những bài tập như: con cộng hộ mẹ tiền điện cả năm (đưa cho con hóa đơn để cộng) chỉ là một động tác nhưng trẻ sẽ nhận thức vấn đề qua những con số; cùng con lập kế hoạch chi tiêu cho một sự kiện (Tết chẳng hạn) hoặc cho cả một mùa đông. Những con số ban đầu sẽ khiến con bạn hứng thú như một trò chơi, nhưng sau đó sẽ tác động đến ý thức của trẻ lúc nào không biết. Cũng có thể cho con mỗi tháng một khoản tiền nhất định, tặng con cái ví đẹp để đựng món tiền đó. Khi con muốn tiêu món tiền của mình, con đi cùng bố mẹ nhưng con mua gì tùy chọn. Khi tiêu tiền “của mình”, con sẽ chú ý hơn đến giá cả và sẽ có sự so sánh, cân nhắc cần thiết giữa nhu cầu và thực tế, giữa món đồ này với món đồ kia.

Cách tốt nhất là: Đừng răn dạy nhiều, hãy cùng chia sẻ.

3. Bài học về sự đồng cảm, chia sẻ, tương tác: Nói đến chia sẻ, đồng cảm là nói đến sự tương tác. Phải luôn là hai chiều. Bố mẹ cần cho con cơ hội hiểu các vấn đề của mình, đồng thời cũng hãy cố gắng tìm hiểu các vấn đề đang khiến trẻ quan tâm, lo sợ, bối rối. Quay trở lại câu chuyện của chị kể trên kia: sau, khi hai mẹ con ngồi nói chuyện, bạn phát hiện ra, con đã cần đến tiền như thế nào trong rất nhiều trường hợp mà e ngại không dám nói ra, và bố mẹ chưa bao giờ nghĩ đến việc cho con một khoản tiền nho nhỏ. Từ việc nhu cầu không được đáp ứng dẫn đến chuyện khó trao đổi với người thân về các vấn đề của mình, đồng thời cũng dần thờ ơ với những cảm xúc của bố mẹ (chẳng hạn, em không đặt câu hỏi: nếu mình lấy tiền thì mẹ sẽ thế nào? Tiền này lẽ ra mẹ dùng để làm gì...).

4. Bài học về giá trị con người: Trong tất cả các bài học mà con cần học, có cả bài học lớn con cần học cùng bố mẹ bài học về giá trị con người. Những điều gì làm nên giá trị con người? Trung thực, đáng tin cậy, biết chia sẻ, ham lao động, có trách nhiệm… Và bất kể giá trị nào ta muốn con hướng tới, chúng ta cũng cần phải có lòng tin đối với con, tình yêu bất di bất dịch, cho dù con nhất thời có lỗi. Thể hiện được điều này, bạn đã cho con cơ hội sửa lỗi. Con người, nhất là con trẻ, luôn hướng đến điều thiện, điều đẹp, điều hay nếu bố mẹ giúp chúng tạo được niềm tin vào chính bản thân mình thông qua niềm tin của bố mẹ đặt vào mình: tin rằng, mình có thể làm được điều tốt và sửa được điều xấu, cho dù hôm nay mình có sai lầm đến thế nào đi chăng nữa. Bài học này còn có ích cho đứa trẻ khi nó đã trưởng thành, và cả suốt cuộc đời về sau. Ai có thể nói được mình chưa từng phạm lỗi? Nhưng nếu lỡ đã phạm lỗi, thậm chí làm những điều đáng sỉ nhục nhất, điều gì kéo con người trở lại lương thiện? Niềm tin vào giá trị của bản thân mình. Trong rất nhiều trường hợp, cách hành xử của những người xung quanh đã đẩy người có lỗi đi xa hơn trong con đường sai trái, đau buồn. Vì thế, xin các ông bà, bố mẹ hãy tin rằng, lỗi “lấy tiền của mẹ” hôm nay, con sẽ sửa được, chỉ cần được tin và được chia sẻ.

Một điều cần nhấn mạnh nữa là, những đứa trẻ có lỗi thường rất nhạy cảm. Kể cả khi được tha lỗi, thời gian sau đó, nếu bố mẹ không tỏ ra hoàn toàn “quên” lỗi đã qua của con để cùng hướng về tương lai tốt đẹp hơn mà cứ hơi một tí là nhắc lại, răn đe, kể lể… Vô hình sẽ để lại những tổn thương về tâm lý cho con, dù rất nhỏ. Nhưng nhỏ sẽ tích thành lớn, và việc này không phải là không góp phần đẩy xa đứa trẻ ra khỏi người thân của mình.

Để tránh đi đến việc từ một hành vi nào đó của trẻ đánh giá tiêu cực cả một nhân cách, chúng ta thử tìm cách nói khác, gọi tên sự việc, hành động một cách cụ thể, đúng mực chứ không… Nói theo cách nói hài hước là “nâng cao quan điểm” để ra kết luận tiêu cực. Chẳn hạn: em bé đã “lấy tiền của mẹ”, đã “nói sai sự thật”, đã “chưa làm đúng thỏa thuận giữa hai mẹ con” thay vì đã “ăn cắp”, “nói dối, dối trá” hay là “hư, láo, không coi người lớn ra gì”.

Nói thì dễ, làm mới khó. Đây cũng là kỹ năng cha mẹ cần luyện tập song song với việc nuôi dạy con.

Bài viết khác