CHUYỆN MẸ CHỒNG – NÀNG DÂU “KHÁC MÁU TANH LÒNG”

Phải khó khăn lắm, chuyên viên tư vấn Võ Thanh Giang (trung tâm tư vấn Linh Tâm 1088) mới ngăn được dòng nước mắt của chị Nguyễn Thu M. (Hải Dương), sinh năm 1984, một người vừa mới làm vợ, làm dâu vỏn vẹn 4 tháng đang thổn thức gọi điện đến xin tư vấn.

Qua dòng nước mắt, M kể: M sinh ra và lớn lên trong một gia đình có địa vị, giàu có của tỉnh Hải Dương. Cô chia tay mối tình đầu tiên chỉ vì gia đình không đồng ý cho cô yêu một người lớn hơn 11 tuổi. Trong thời gian đau khổ đó, cô quyết định đi tới hôn nhân với một anh làm bảo vệ, mới học hết THPT và “trông có vẻ hiền lành, đeo đuổi đã lâu”. Vậy là từ một tiểu thư lá ngọc cành vàng, đang ôn thi để bảo vệ luận án thạc sĩ, cô về làm dâu cho một gia đình thuần nông.

Sau khi cưới 2 tháng, M có thai. Cuộc sống ở trọ tại Hà Nội nhưng M vẫn phải vừa học, vừa làm vừa tề gia nội trợ. Hậu quả là M bị động thai. Đi khám bác sĩ dặn M phải nghỉ ngơi, tránh vận động. Thấy vậy chồng M đã gọi điện về cho bố mẹ mình than thở, nhờ mẹ lên chăm.
Tuy nhiên mẹ chồng đã “khuyên nhủ” con không nên chăm vợ vì như thế rất vất vả. “Tốt nhất con nên đưa vợ về nhà ngoại chăm” – Mẹ chồng phán.

Sau khi chồng trao đổi, M đã nhất định phản đối đề nghị này vì bác sĩ dặn không được vận động, đi lại nhiều, trong khi đường về nhà có hẳn vài km đang sửa, cực kỳ xóc. Cô đòi gọi cho mẹ chồng nhưng anh này không chịu vì mẹ đã bảo thế, rằng anh không thể chăm được và gần như cưỡng ép cô lên taxi về ngoại.

Đúng như dự đoán, đường xa, xóc nên M đã bị ra máu nhiều, đau bụng dữ dội, chưa kịp về nhà đã phải chạy thẳng vào viện cấp cứu, bỏ thai.

“Gia đình em có gọi điện trách móc anh ấy thì chồng em phân bua: “tại mẹ con bảo chả sao đâu, cứ đưa về bên ngoại mà chăm là được”. Thế là ông bà ngoại lại gọi sang bên nội có ý trách họ thiếu quan tâm. Thế là chỉ nghỉ ngơi được 2 tuần, bên nhà chồng nằng nặc đòi em sang quê nội để bên kia chăm sóc, muốn làm gì đó chứng tỏ mình quan tâm đến con dâu. Nhưng chị ơi, khi về họ có thái độ ngay. Mẹ anh ấy nói gia đình em chăm sóc không cẩn thận khiến em sẩy thai, nhà em cậy có tiền, có học nên thích nói gì thì nói. Rằng “Tao có làm gì đâu mà mày bảo tao hại mày?”. Chưa hết, hai cô em chồng cũng lao vào chửi bới, cạnh khóe, xúc phạm em” – M khóc nức nở kể lại.

Chưa hết, khi về Hà Nội, M lại phải phục dịch chồng. Hễ bị chồng đánh, M than thở với mẹ chồng thì bị mắng: “Mày phải ăn nói như thế nào thì nó mới đối xử với mày như thế. Đừng có tí tiền, tí quyền hành mà xem chồng không ra gì”.

“Khi em quyết tâm li dị chồng thì mẹ chồng lại bảo: Chồng nào mà chẳng thế. Mày đừng có làm căng. Em không hiểu ra làm sao? Khi mình còn là dâu con thì họ xem như người lạ, khi li hôn lại níu kéo, từ chồng đến mẹ chồng” – M tâm sự.

Chỉ trong vòng 4 tháng “một mình chống lại mafia”, M hoang mang gọi đến 1088 để hỏi, tại sao một con người khi yêu hiền lành đến thế giờ bỗng dưng trở thành 1 người chồng bạo lực? Cô có gì sai để mẹ chồng không một chút đồng cảm?

“ĐƯỢC” VỀ NGOẠI MỖI KHI ỐM
Lấy chồng Hà Nội 2 năm nay nhưng ít khi Thanh Hoa (Hà Tĩnh) được mẹ chồng niềm nở cho về quê, với lý do: “Xuất giá tòng phu. Đã về nhà này là con của bố mẹ, việc của bố mẹ đẻ phải để anh chị lo. Hơi đâu có việc gì là tót về được”

Là dâu cả, bao nhiêu việc nhà chồng, từ nội ngoại, việc giỗ chạp hay chuyện học hành các con cháu trong nhà, sức khỏe của các thành viên gia đình, một tay Hoa lo chu toàn. Nhưng hễ bố mẹ mình ốm, Hoa muốn về thăm đều bị mẹ chồng nguýt: Anh cả mày đâu mà mày phải lo?

Khi nhà ngoại có việc như giỗ chạp, cưới xin, muốn đưa con về, bà cũng viện lý do trong đó nhà quê, nắng nóng, lạnh lẽo, ốm đau ra đấy ai chăm?

Nhưng sau một lần Hoa bị ốm nặng, phải mổ và nằm ở nhà 2 tháng, chồng Hoa phải xắn tay vào cơm nước giặt giũ, mẹ chồng mới thẽ thọt bảo Hoa: “Hay con gọi mẹ đẻ lên đây chăm sóc. Có mẹ có con, nhanh bình phục hơn?”.

Đương nhiên, khi bà ngoại ra, mọi việc lặt vặt trong nhà đều đến tay bà. Mẹ chồng ung dung sáng cầu lông, chiều tập thể dục, không mó tay vào việc gì.

Thương mẹ, Hoa vẫn phải gượng dậy giúp đỡ. Nhưng ức chế tinh thần khiến hai mẹ con không thoải mái. Hoa rụt rè đề nghị được về quê. Không ngờ mẹ chồng đồng ý đánh rụp. Sau đó, mỗi lần ốm, Hoa đều được mẹ chồng bật đèn xanh cho về quê.

KHÁC MÁU TANH LÒNG, CÓ ĐI KHÔNG CÓ LẠI
Không hiếm các nàng dâu phụng dưỡng mẹ chồng hơn mẹ đẻ, nhưng nhận lại chỉ là sự hờ hững kiểu khác máu tanh lòng. Có những nàng dâu, bị ngược đãi cả đời, đến khi mẹ chồng nhắm mắt mới nói được một câu tử tế, thế cũng là mãn nguyện lắm rồi.

Nhưng với Hoa và M, thế hệ 8X, sức chịu đựng của họ có giới hạn hơn. Mới chỉ làm dâu chưa đến 1 năm, nhưng cả hai đều cảm thấy mình bị “bạo lực tinh thần” và giải pháp li hôn đã được cân nhắc đến.

Chuyên gia tư vấn Võ Thanh Giang khẳng định: “Trong gia đình M, quá rõ ràng về vấn đề bạo lực trong gia đình. M đã quyết định li dị rồi, cô ấy chỉ tìm đến chúng tôi để muốn có sự phân tích của các chuyên gia, nhằm không nhầm lẫn khi nhận định 1 con người.

Chúng tôi đã phân tích cho cô ấy hiểu, không những giữa hai người tình yêu không còn, chưa từng có ở M, mà người chồng và mẹ chồng đều vô cảm với nỗi đau của cô. Thời điểm này, hai người chưa có khó khăn trong việc chia tài sản và phần nuôi con thì càng nên sớm chấm dứt. Bởi khi có con cái việc li dị sẽ day dứt hơn”.

Còn Hoa, mặc dù mỗi khi mẹ chồng đau ốm, cô vẫn làm trọn nghĩa vụ của mình, nhưng ở trong cô, không có chút tình cảm nào nữa. Hoa cho biết: “Tình cảm có đi có lại. Tôi không thể mù quáng như trong tình yêu, hi sinh tất cả cho mẹ chồng. Tôi chỉ làm tròn nghĩa vụ của mình mà thôi”.

Bài viết khác